Bạn đã biết về phương pháp giáo dục HighScope chưa? Phương pháp giáo dục High Scope được nghiên cứu bởi Quỹ nghiên cứu giáo dục; một tổ chức phi lợi nhuận độc lập; được thành lập vào năm 1970 với trụ sở chính tại Ypsilanti, Michigan, Hoa Kỳ. Đến nay phương pháp giáo dục HighScope đã trở thành một trong 4 mô hình giáo dục mầm non nổi tiếng nhất thế giới. Được sử dụng rộng rãi ở các trường mầm non quốc tế.
Phương pháp giáo dục HighScope là phương pháp giáo dục toàn diện, giúp trẻ phát triển về mọi lĩnh vực. Hãy cùng Thiên Tài Việt tìm hiểu về phượng pháp giáo dục này nhé!
Phương pháp giáo dục HighScope là gì?
Phương pháp giáo dục HighScope nhấn mạnh vào “cá nhân học tập chủ động”. Có nghĩa là trẻ tiếp thu tốt nhất khi được chủ động tham gia vào quá trình học tập. Được chủ động lựa chọn và làm theo kế hoạch của chính bản thân mình. Trẻ khám phá thế giới xung quanh dựa trên những trải nghiệm của trẻ với những người xung quanh, với các sự vật, các sự kiện, hiện tượng và các ý tưởng của trẻ.
Phương pháp High Scope đặt lợi ích và sự lựa chọn của trẻ làm trung tâm. Trẻ xây dựng kiến thức của mình thông qua tương tác với thế giới và những người xung quanh trẻ. Trẻ có thể tự thực hiện những hoạt động của chính trẻ và người lớn chỉ giữ vai trò xác nhận những kiến thức trẻ đã biết và hỗ trợ trẻ mở rộng tư duy đến cấp độ tiếp theo.
Các giáo viên, người chăm sóc trẻ và cha mẹ cung cấp cho trẻ sự hỗ trợ về tình cảm, vật chất và kiến thức. Trong quá trình học tập chủ động, người lớn gợi mở tư duy của trẻ thông qua những tương tác đa dạng về vật liệu và sự chăm sóc.
Xem thêm: Phương pháp giáo dục Montessori
Mục tiêu của phương pháp giáo dục High Scope
Phương pháp giáo dục HighScope giúp trẻ em phát triển trong mọi lĩnh vực. Mục tiêu của HighScope là:
- Trẻ tìm hiểu kiến thức thông qua sự tham gia tích cực hoạt động với người, vật liệu, sự kiện và ý tưởng.
- Trẻ độc lập, tự tin và có trách nhiệm. Trẻ sẵn sàng cho các cấp học mới và sẵn sàng cho cuộc sống.
- Trẻ tự tìm hiểu và lên kế hoạch cho các hoạt động của mình, đưa chúng ra và nói với mọi người về những gì trẻ đã làm được, đã học được.
- Trẻ đạt được các kiến thức, kỹ năng quan trọng trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Vai trò của người lớn trong HighScope
Trong phương pháp HighScope các giáo viên, người chăm sóc trẻ và cha mẹ tương tác với trẻ em bằng cách chia sẻ quyền kiểm soát với trẻ em. Hình thành mối quan hệ thân thiện với trẻ. Hỗ trợ ý tưởng của trẻ và giúp trẻ giải quyết xung đột cá nhân.
Các giáo viên, người chăm sóc trẻ và cha mẹ tham gia như các đối tác trong hoạt động của trẻ chứ không phải là người quản lý, giám sát. Cần phải tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, khuyến khích trẻ chủ động, tự lập và sáng tạo. Các giáo viên, người chăm sóc trẻ và cha mẹ cần cung cấp tài liệu, kinh nghiệm để trẻ tự học tập và phát triển.
Xem thêm: Nguyên tắc vàng để giáo dục con cái
Hoạt động một ngày của trẻ với HighScope
Phương pháp High Scope có một trình tự học trong ngày nhất định. Điều này tạo điều kiện cho trẻ lựa chọn nội dung, theo đuổi sở thích và được phát triển khả năng của mình trong từng lĩnh vực.
Quy trình “lên kế hoạch – thực hiện – đánh giá”. Chuỗi 3 phần này là cách thức tiếp cận của chương trình HighScope. Nó bao gồm:
Hoạt động tự chọn theo nhóm nhỏ
Giáo viên giới thiệu với trẻ về những học cụ, ý tưởng, hoạt động mới… Sau đó, trẻ sẽ tự lựa chọn hoạt động và lên kế hoạch như: chọn bạn để cùng hoạt động; chọn nguyên liệu sử dụng; chọn nơi để ngồi; chọn cách thức thể hiện… Sau đó là khoảng thời gian trẻ dành để nhắc lại những gì đã làm và học được với cô giáo, các bạn. Cuối cùng là khoảng thời gian để thu dọn, cất giữ sản phẩm mà trẻ đã hoàn thành và chưa hoàn thành.
Các trải nghiệm trong hoạt động tự chọn theo nhóm nhỏ mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ. Giúp trẻ tự nhận ra những sở thích của bản thân. Học được cách giao tiếp trong xã hội, trình bày ý tưởng của mình. Biết giải quyết vấn đề khi có mâu thuẫn nảy sinh. Biết lắng nghe để hiểu quan điểm của người khác.
Hoạt động theo nhóm lớn
Là làm việc theo một nhóm lớn tạo ý thức cộng đồng cho trẻ. Giáo viên và trẻ cùng tham gia các hoạt động âm nhạc, kể chuyện, chia sẻ về các trải nghiệm của bản thân… Ở hoạt động này trẻ có nhiều cơ hội để được lựa chọn đóng vai trò làm người lãnh đạo.
Hoạt động ngoài trời
Hàng ngày trẻ nên được dành 30 phút để chơi ngoài trời. Tham gia các hoạt động vui chơi sôi nổi ngoài sân và tận hưởng không khí trong lành. Trẻ được thoải mái, tự do vui chơi, tham gia vào các hoạt động vận động: chạy, nhảy, leo trèo, đuổi bắt,… Hoặc khám phá những điều kỳ diệu từ thiên nhiên cây cỏ, chim chóc, côn trùng,…
Cách giải quyết xung đột của HighScope
Xung đột là không thể tránh khỏi trong quá trình chơi của trẻ em. Bất cứ lúc nào trẻ cũng có thể trở nên tức giận hoặc thất vọng với xung quanh. Điều này không có nghĩa là trẻ em có tính xấu, ích kỷ. Chỉ đơn giản là trẻ chưa biết làm thế nào để ứng phó lại những quan điểm khác mình hoặc đưa ra những hành vi phù hợp với tình hình. Phương pháp HighScope sử dụng quá trình 6 bước để giúp trẻ giải quyết những xung đột đó:
Bước 1: Phương pháp tiếp cận bình tĩnh
Dừng lại bất kỳ những hành động hoặc ngôn ngữ gây tổn thương. Một cách thật bình tĩnh trấn an trẻ rằng mọi việc đã được kiểm soát và tạo ra sự hài lòng tạm thời giữa tất cả mọi người.
Xem thêm: Dạy con trẻ lì lợm bướng bỉnh như thế nào?
Bước 2: Thừa nhận cảm xúc của trẻ
Để trẻ thể hiện cảm xúc của mình. Sau đó, khuyến khích trẻ đưa ra suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề.
Bước 3: Thu thập thông tin
Giáo viên thật cẩn thận khi đưa ra các câu hỏi mà không khiến 2 bên bị kích động. Khuyến khích đặt các câu hỏi mở để trẻ mô tả lại quá trình xảy ra xung đột và những lỗi mà trẻ mắc phải.
Bước 4: Nhắc lại vấn đề
Giáo viên sử dụng các thông tin được cung cấp bởi trẻ, nhắc lại vấn đề. Sử dụng các thuật ngữ rõ ràng và đơn giản. Tránh những lời nói gây tổn thương.
Bước 5: Xin ý tưởng giải quyết vấn đề từ 2 phía
Giáo viên khuyến khích trẻ đưa ra ý tưởng dựa trên điều kiện thực tế cụ thể. Sau đó lựa chọn một giải pháp mà cả 2 bên đều chấp thuận. Cần tôn trọng cách giải quyết của trẻ chứ không áp đặt cách giải quyết của mình lên trẻ. Do đó trẻ cảm thấy được hài lòng trong quá trình giải quyết vấn đề.
Bước 6: Cung cấp quá trình theo dõi khi cần thiết
Giáo viên giúp trẻ thực hiện các giải pháp của trẻ. Và chắc chắn rằng không còn sự khó chịu của bất cứ bên nào. Nếu cần thiết, giáo viên có thể lặp lại 1 hoặc nhiều bước trên cho đến khi trẻ hòa đồng trở lại.